Tài sản phải được kế toán theo giá gốc, trong đó giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc tương đương tiền mà doanh nghiệp đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận.
Nguyên tắc giá gốc là gì?
Theo nguyên tắc Giá gốc (Historical cost principle hay Cost principle), tài sản nói chung, đặc biệt là tài sản dài hạn (Long-term asset), được ghi nhận theo giá mua gốc ban đầu, hay còn gọi là nguyên giá.
Nguyên tắc này không quan tâm đến giá trị thanh lý (Liquidation value) hoặc giá trị thị trường (Market value) của tài sản.
Nguyên tắc giá gốc được phân tích dựa trên bảng cân đối kế toán, vì bảng cân đối kế toán cung cấp thông tin giá trị của các nguồn lực do doanh nghiệp mua hoặc phát triển.
Chế độ kế toán các nước thường yêu cầu tài sản được báo cáo trong bảng cân đối kế toán dựa trên giá trị nguyên giá. Nguyên giá chứ không phải là giá trị hợp lý, giá trị thay thế, hoặc giá trị sử dụng được sử dụng để ghi lại các tài sản bởi vì có thể được kiểm tra dễ dàng hơn.
Bằng cách yêu cầu các giao dịch được ghi nhận với nguyên giá, kế toán có thể hạn chế khả năng phóng đại giá trị tài sản.
Tuy nhiên, nguyên tắc giá gốc cũng có hạn chế trong việc cung cấp các thông tin cho các bên liên quan biết về tiềm năng của tài sản doanh nghiệp (có thể cao hơn/thấp hơn so với giá trị ghi nhận trên sổ sách kế toán.
Vì vậy, trong các giao dịch, các tài sản của doanh nghiệp thường được định giá lại cho hợp với giá trao đổi trên thị trường (marked to market).
Ví dụ về nguyên tắc giá gốc:
Công ty TNHH A mua một số lượng điều hòa trị giá 40.000.000 đồng chưa bao gồm thuế GTGT 10%
- Chi phí vận chuyển : 1.500.000 đồng (chưa bao gồm thuế GTGT 10%)
- Chi phí lắp đặt: 1.000.000 đồng
Như vậy theo nguyên tắc giá gốc thì nguyên giá của máy điều hòa là = 40.000.000 + 1.500.000 + 1.000.000 = 42.500.000 đồng