Để đánh giá chất lượng của các tài sản Có của tổ chức tín dụng như Ngân hàng, công ty tài chính… Tỷ lệ Nợ xấu/Tổng dư nợ (Non-performing loan ratio – NPL) thường được sử dụng để phân loại thành các nhóm và trích lập dự phòng rủi ro tương ứng.
NPL là gì?
Tỷ lệ Nợ xấu/Tổng dư nợ (Non-performing loan ratio – NPL) là thuật ngữ dùng để chỉ các khoản nợ cho vay khách hàng đang đối diện với rủi ro cao trong việc thu hồi nợ gốc và lãi do khách hàng gặp khó khăn.
Công thức tính
Tỷ lệ Nợ xấu/Tổng dư nợ được tính bằng cách chia tổng nợ xấu cho tổng dư nợ.
Công thức:
NPL = Tổng Nợ xấu/Tổng dư nợ
Theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/04/2005 của Ngân hàng Nhà nước, các khoản dư nợ tín dụng khách hàng của ngân hàng được phân loại từ Nhóm 1 đến Nhóm 5, tương ứng với các loại:
Nợ đủ tiêu chuẩn (Nhóm 1): Nợ trong hạn, hoặc quá hạn dưới 10 ngày. Có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn
Nợ cần chú ý (Nhóm 2): Quá hạn từ 10 – 90 ngày; Nợ điều chỉnh hạn trả nợ lần đầu.Có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi, nhưng có dấu hiệu suy giảm khả năng trả nợ.
Nợ dưới tiêu chuẩn (Nhóm 3): Quá hạn từ 91 – 180 ngày; Nợ gia hạn nợ lần đầu; Miễn hoặc giảm lãi.Không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn. Có khả năng tổn thất.
Nợ nghi ngờ (Nhóm 4): Quá hạn từ 181 – 360 ngày; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu, nhưng lại tiếp tục quá hạn dưới 90 ngày; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai… Có khả năng tổn thất cao.
Nợ có khả năng mất vốn (Nhóm 5): Nợ quá hạn trên 360 ngày; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu, nhưng lại tiếp tục quá hạn từ 90 ngày trở lên; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai nhưng lại quá hạn; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên… Không còn khả năng thu hồi, mất vốn.
Các khoản nợ phân loại từ Nhóm 3-5 được xem là nợ xấu.
Tỷ lệ nợ xấu cho biết chất lượng và rủi ro của danh mục cho vay của ngân hàng, bao nhiêu đồng đang bị phân loại vào nợ xấu trên 100 đồng cho vay.
Tỷ lệ này cao so với trung bình ngành và có xu hướng tăng lên có thể là dấu hiệu cho thấy ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc quản lý chất lượng các khoản cho vay.
Ngược lại, tỷ lệ này thấp so với các năm trước cho thấy chất lượng các khoản tín dụng được cải thiện. Hoặc cũng có thể ngân hàng có chính sách xóa các khoản nợ xấu hay thay đổi các phân loại nợ.
Cách phân loại theo quy định tại Quyết định 493 khác biệt với các hướng dẫn của IFRS và thường được cho là không thể hiện đầy đủ rủi ro nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam.