Cùng VnBiz tìm hiểu vốn hóa là gì, vốn hóa thị trường là gì trong bài viết này nhé.
Vốn hóa là gì?
Vốn hóa (tiếng Anh: Capitalization), trong kế toán là chi phí để có được một tài sản được sử dụng trong suốt vòng đời của tài sản đó thay vì trong giai đoạn phát sinh.
Trong tài chính, vốn hóa là tổng của cổ phiếu của một công ty, nợ dài hạn và thu nhập được giữ lại.
Vốn hóa thị trường là gì?
Vốn hóa thị trường (tiếng Anh: Market Capitalization) là tổng giá trị thị trường của cổ phiếu đang lưu hành của một công ty đang niêm yết.
Giá trị vốn hóa thị trường là thước đo quy mô của một doanh nghiệp, được xác định bằng tổng số tiền bỏ ra để mua lại toàn bộ doanh nghiệp đó trong điều kiện hiện tại.
Vốn hóa thị trường được tính bằng cách lấy số cổ phiếu của một công ty đang lưu hành nhân với giá thị trường của một cổ phiếu.
Ví dụ: Một công ty có 20 triệu cổ phiếu được bán với giá 100.000đ/ cổ phiếu thì mức vốn hóa của thị trường sẽ là 2000.000.000.000đ (2000 tỉ)
Giá trị vốn hóa của thị trường có thể tìm thấy trên các báo đầu tư và kinh doanh như cafebiz.vn, cafef.vn, vietstock.vn, v.v.
Phân chia công ty theo giá trị vốn hóa thị trường
Trong thị trường chứng khoán Việt, bạn thường nghe tới các khái niệm Blue-chip, Midcap, Penny…Ở một khía cạnh nào đó, cũng thể hiện mức vốn hóa thị trường của công ty. Tuy nhiên, chưa có một tài liệu chính thức nào về cách chia công ty theo giá trị vốn hóa thị trường.
Dưới đây là vốn hóa thị trường của các công ty tại Việt Nam mà bạn có thể tham khảo.
- Công ty có vốn hóa lớn (Large Cap): Vốn hóa > 10.000 tỷ đồng
- Công ty có vốn hóa trung bình (Mid-cap): 1.000 tỷ < Vốn hóa < 10.000 tỷ.
- Công ty có vốn hóa nhỏ (Small-Cap): 100 tỷ < Vốn hóa < 1.000 tỷ.
- Công ty có vốn hóa siêu nhỏ (Micro Cap): Vốn hóa < 100 tỷ.
Thay đổi giá trị vốn hóa thị trường
Có hai yếu tố có thể thay đổi giá trị vốn hóa thị trường của một công ty đó là sự thay đổi về giá cổ phiếu hoặc khi công ty phát hành hoặc mua lại cổ phiếu.
Chiến lược đầu tư dựa vào vốn hóa
Đầu tư vào các công ty có giá trị vốn hóa lớn không nhất thiết mang lại lợi nhuận khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, nó đem lại sự tăng trưởng về giá trị cổ phiếu và cổ tức.