Cùng VnBiz tìm hiểu doanh nghiệp SME là gì trong bài viết này nhé.
SME là gì?
SME là viết tắt của Small and Mid-size Enterprise, dịch ra tiếng Việt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé về vốn, lao động hay doanh thu.
Dựa trên quy mô có thể chia doanh nghiệp vừa và nhỏ thành ba loại đó là doanh nghiệp siêu nhỏ (micro), doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa.
Mỗi quốc gia sẽ có định nghĩa riêng về doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng Thế Giới, thì doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lao động từ 10 đến dưới 200 người và nguồn vốn 20 tỉ trở xuống, còn doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động với nguồn vốn từ 20 đến 100 tỉ.
Ở Hoa Kỳ, không có cách nào để xác định các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng ở Liên minh Châu Âu, một doanh nghiệp nhỏ là một công ty có ít hơn 50 nhân viên, một doanh nghiệp vừa có ít hơn 250 nhân viên. Ngoài ra, còn có các công ty siêu nhỏ với dưới 10 nhân viên.
Phân loại doanh nghiệp SME theo quy định của Chính Phủ Việt Nam
Tại Việt Nam, theo Điều 6, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ, quy định:
Doanh nghiệp siêu nhỏ
1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ
2. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp vừa
3. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này
Vai trò của doanh nghiệp SME
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra 80% việc làm mới ở các nền kinh tế mới nổi. Ngoài ra, hầu hết những người có công việc chính thức ở các nền kinh tế mới nổi này đều tìm được việc làm trong một doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất mạnh trong đổi mới, và họ thúc đẩy cạnh tranh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phải đấu tranh để thu hút vốn để tài trợ cho nỗ lực của họ.
Để bền vững, một số chính phủ quốc gia và các tổ chức thế giới ủng hộ việc thực hiện các chương trình giáo dục kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận các khoản vay và ưu đãi của chính phủ.
Hi vọng bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc SME là gì cho các bạn. Chúc các bạn thành công !